(02/11/2020)

Lần đầu tiên, các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam bắt tay nhau xây dựng một mạng lưới hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp. 

Bách khoa Hà Nội ngày 29/10 tổ chức lễ ra mắt VEES-NET. Đây là một mạng lưới hợp tác giữa 8 trường đại học nhằm giúp sinh viên tìm được công việc phù hợp với trình độ chuyên môn sau khi tốt nghiệp và hỗ trợ các trí thức trẻ vượt qua những thách thức ban đầu trên con đường khởi nghiệp. 

Các trường thành viên tham gia vào mạng lưới VEES-NET bao gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật của Đại học Đà Nẵng, Đại học Nha Trang, Đại học Tây Nguyên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Thủ Dầu Một và Đại học Trà Vinh. Dự án nằm trong khuôn khổ Eramus+, một chương trình của Liên minh châu Âu tài trợ tài chính cho các hoạt động cải thiện kỹ năng làm việc của thanh niên ở các nước châu Âu và một số quốc gia đối tác với tổng ngân sách giải ngân trong 7 năm lên tới 17 tỷ USD. 

Các trường ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Áo sẽ giúp 8 trường thành viên Việt Nam thành lập và nâng cao năng lực của các trung tâm hướng nghiệp nhằm cung cấp ngày một nhiều hơn và tốt hơn các dịch vụ tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên. Phía châu Âu cũng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại lễ ra mắt Mạng lưới hỗ trợ tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam VEES-NET ngày 29/10. Ảnh: CCPR-Duy Thành.

Tại lễ ra mắt VEES-NET, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động hướng nghiệp và khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường bao gồm khai phóng năng lực của người trẻ; hạn chế lãng phí nguồn nhân lực giúp phát triển kinh tế và xã hội; đáp ứng những biến động của nền kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa. Lãnh đạo ngành giáo dục hy vọng “VEES-NET sẽ mở rộng và trở thành mạng lưới của tất cả 224 trường đại học ở Việt Nam.”

PGS. Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, được bầu giữ chức chủ tịch Mạng lưới VEES-NET nhiệm kỳ đầu tiên 2020-2023. Ông chia sẻ Bách khoa Hà Nội luôn chú trọng công tác hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thông qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hội chợ việc làm và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm BK Fund với số vốn lên tới 50 tỷ đồng. Quỹ BK Fund tập trung vào các công ty công nghệ khởi nghiệp đang trong giai đoạn “ươm tạo” với mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng mỗi dự án và thời gian đầu tư kéo dài 4-5 năm. “Đến nay, Quỹ BK Fund đã thu hút được hơn 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) từ các nhà đầu tư là cán bộ và cựu sinh viên của Bách khoa Hà Nội,” PGS. Nguyễn Phong Điền nói.

Cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp

Là sinh viên năm thứ nhất của Viện Khoa học Kỹ thuật Vật liệu, Bách khoa Hà Nội, Phạm Đức Thịnh chưa quan tâm đến cơ hội việc làm nhưng muốn tìm hiểu về các chương trình cải thiện kỹ năng mềm như giao tiếp và ngoại ngữ. “Khi kém giao tiếp, dù giỏi chuyên môn đến mấy, ta cũng sẽ không thể tiếp thị năng lực bản thân hoặc sản phẩm mà mình sáng tạo ra,” cậu sinh viên 19 tuổi nói.

Mạng lưới VEES-NET nhắm đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của thị trường lao động và khả năng đáp ứng của sinh viên. Do vậy, tập trung trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên cũng là một phần trong chương trình hành động của mạng lưới. Khảo sát STEP của World Bank với hơn 600 công ty tư nhân tại các nước đang phát triển bao gồm Việt Nam kết luận 5 kỹ năng quan trọng nhất mà các doanh nghiệp muốn thấy ở nhân viên là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp và sáng tạo. 

Ông Kiyotoshi Araki (phải), phó tổng giám đốc công ty Sekisho Group chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự, tại lễ ký hợp đồng tài trợ phát triển hoạt động thể thao và kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 27/10. Ảnh: CCPR-Hà Kim.

Ông Kiyotoshi Araki, phó tổng giám đốc Sekisho Group chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự, nhận xét trình độ chuyên môn của sinh viên Việt Nam khá tốt so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, điểm yếu của sinh viên Việt Nam là thiếu chủ động. “Họ không chịu quan sát xung quanh và đặt mình vào vị trí của các bên để phân tích vấn đề,” ông Araki nói. “Điều đó dẫn đến hạn chế trong tư duy và khả năng sáng tạo.”

Doanh nhân người Nhật cho rằng sự thay đổi không thể đến từ một trường đại học. Nhờ những mạng lưới như VEES-NET, sự liên kết giữa các trường với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp trở nên mạnh hơn. “Lúc đó, tất cả các trường đại học sẽ biết nên thay đổi chương trình đào tạo như thế nào để sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể ngay lập tức thích ứng với môi trường doanh nghiệp,” ông chia sẻ quan điểm. 

Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên năm thứ ba của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Bách khoa Hà Nội lại quan tâm đến cơ hội tìm được công việc đúng ngành. “Nhà trường hiểu sinh viên của mình thì sẽ giúp kết nối sinh viên với đúng doanh nghiệp và công việc phù hợp,” cô nói. Theo thống kê của JobNow, 58% sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành, dẫn đến tình trạng nhảy việc thường xuyên gây lãng phí nguồn nhân lực.  

Bà Bùi Thị Ninh, trưởng văn phòng giới sử dụng lao động của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI, quan sát thấy hiện nay việc hỗ trợ sinh viên đi thực tập, tìm việc làm hay khởi nghiệp chủ yếu dựa vào mối quan hệ cá nhân của giảng viên với các doanh nghiệp. Trong khi đó, các trường đại học thiếu bộ phận chuyên nghiệp hoạt động quy mô lớn và bài bản. Ngược lại, khi có nhu cầu tuyển dụng, doanh nghiệp cũng không biết phải liên hệ với phòng ban nào ở các trường đại học. 

“Không có sự hỗ trợ từ phía nhà trường, sinh viên sẽ thiếu định hướng ngành nghề,” nữ chuyên gia phân tích. “Nhiều sinh viên, đặc biệt sinh viên ngành xã hội, vô cùng hoang mang khi ra trường vì không biết nên làm công việc gì.” 

Ngoài ra, đại diện của VCCI ví mạng lưới VEES-NET như “một cú hích” khi giúp các trường đại học theo sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động, từ đó, đóng góp xây dựng chính sách với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác hướng nghiệp ngay từ bậc phổ thông. 

“Tôi rất hy vọng mạng lưới này không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các trung tâm hướng nghiệp ở các trường đại học mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam cũng như chất lượng nhân lực trên thị trường lao động,” đại diện VCCI nói. 

COVID-19 và khủng hoảng việc làm cho thanh niên

Sự kiện tư vấn hướng nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra vào ngày 21/06. Ảnh: CCPR-Phương Nam.

Theo một báo cáo công bố vào tháng 8 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), triển vọng việc làm của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Tỉ lệ thất nghiệp Quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước của thanh niên ở Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hong Kong và Việt Nam tăng mạnh nhất trong khu vực. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tăng từ 6,9% lên 7,4%. ILO đưa ra hai kịch bản dự đoán cho Việt Nam. Nếu chính phủ có thể khống chế dịch Covid-19 trong vòng ba tháng, tỉ lệ thất nghiệp năm 2020 của Việt Nam là 10,8%. Nếu thời gian kiểm soát dịch kéo dài đến 6 tháng, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 13,2%.

Một nghiên cứu giữa Đại học Toronto, Canada và Đại học Columbia, Mỹ thực hiện năm 2012 kết luận sinh viên tốt nghiệp và tìm việc làm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn so với bình thường và cần ít nhất 10 năm để đuổi kịp mức lương của các đồng nghiệp cùng vị trí.   

Tuy nhiên, tại lễ ra mắt mạng lưới VEES-NET, nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù "COVID-19 đã phá vỡ nhiều chuỗi cung ứng, thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống và là một thách thức với thị trường lao động", dịch bệnh cũng tạo ra không ít cơ hội mới. Trong khi một số ngành phải cắt giảm nhân sự như dệt may, nhà hàng – khách sạn và nông nghiệp thì những ngành khác như công nghệ thông tin hay tự động hóa lại đẩy mạnh tuyển dụng. Hoặc trong ngành logistics, hiện những vị trí liên quan đến hoạt động xuất-nhập khẩu giảm nhưng thương mại điện tử lại “lên ngôi”. Sekisho Group, chuyên tuyển lao động Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản, thống kê số lượng đơn đặt hàng tuyển dụng thông qua công ty này đã phục hồi 80% so với thời điểm trước dịch. 

Các chuyên gia đều nhận định trong bối cảnh hiện nay, một mạng lưới rộng khắp đất nước như VEES-NET trở nên hữu ích. “VEES-NET có thể cung cấp và lan tỏa thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp," bà Bùi Thị Ninh của VCCI kết luận. "Do vậy, mạng lưới sẽ giúp sinh viên nhanh chóng biết thị trường lao động đang cần gì để các bạn kịp thay đổi thích ứng với điều kiện mới.”  

Hồng Hạnh